top of page
Ảnh của tác giảThS. BS. Đinh Ngọc Đức

Đau lưng sau khi đi mưa

"Ai rồi cũng sẽ đau lưng mà thôi" Thật vậy, thống kê cho thấy trong 100 người từ lúc sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời, có 84 người bị đau lưng. Một con số đáng kinh ngạc, có lẽ đau lưng là một trong những vấn đề gây khó chịu phổ biến nhất chỉ sau đau đầu. Vậy tại sao chúng ta lại dễ bị đau lưng như vậy? Lưng là một khu vực có cấu tạo rất phức tạp, nó bao gồm một cột sống ở giữa được tạo thành từ nhiều xương đốt sống khác nhau kéo dài từ cổ cho đến mông. Các xương đốt sống này giống như những viên gạch được xếp chồng lên nhau, tuy nhiên chúng ta không thể dùng "xi măng" để "dán chặt" chúng vào với nhau, như thế bạn sẽ không thể nào cử động lưng và cổ của mình được. Do đó, các đốt sống này sẽ được kết dính bởi nhiều loại khớp xương khác nhau, trong đó quan trọng nhất là các "khớp facet" và một hệ thống dây chằng chắc chắn nhưng vẫn có khả năng co giãn như những sợi chun (dây thun). Ngoài ra, chúng còn được gia cố thêm phía ngoài bởi những lớp cơ dày, khỏe và chắc chắn. Các cơ này giúp bạn duy trì tư thế đứng thẳng và cử động một cách linh hoạt. Giữa đốt sống phía trên và phía dưới còn có một "lớp đệm" gọi là đĩa đệm có khả năng đàn hồi tốt, vừa giúp hai đốt sống không tiếp xúc trực tiếp với nhau, vừa có khả năng hấp thu lực giúp cho cột sống của bạn không bị quá tải.

Hình 1: Giải phẫu cột sống thắt lưng và các cấu trúc có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng. Nguồn: The Lancet, Vol 398, July 2021

Lưng của chúng ta vững chắc là vậy, tuy nhiên do cấu trúc phức tạp này khiến nó rất dễ bị tổn thương. Có một sự thật là nếu chỉ có một vài khớp thì khả năng bị tổn thương sẽ ít hơn là có quá nhiều khớp. Vì khớp là chỗ kết nối giữa hai xương với nhau, nên sẽ là nơi yếu nhất và chịu lực tác động nhiều nhất. Không may là cột sống của chúng ta có đến hơn 100 khớp khiến nó dễ bị tổn thương hơn rất nhiều so với những khu vực khác. Bên cạnh đó, các cơ vùng lưng là những nhóm cơ phải hoạt động nhiều nhất nhưng lại ít được chúng ta quan tâm trong việc chăm sóc, phục hồi và tập luyện. Và quan trọng hơn cả, cột sống chứa tủy sống bên trong và là nơi xuất phát của các dây thần kinh điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Những điểm yếu trên khiến cho vùng lưng của bạn dễ bị tổn thương hơn và một trong những khó chịu thường gặp nhất chính là đau lưng.


Hình 2: Đau lưng là triệu chứng thường gặp nhất của các bệnh lý vùng lưng. Nguồn ảnh: Stem Cell Carolina

Đau lưng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp hơn cả là do co thắt các cơ vùng lưng. Nhiệt độ lạnh là một trong những yếu tố gây co thắt cơ. Khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp, điều này sẽ làm cho cơ thể bạn bị mất nhiệt và phản ứng đầu tiên là co thắt các mạch máu ở bên ngoài để giảm thiểu sự mất nhiệt này. Đồng thời, các cơ bắp của chúng ta cũng sẽ tăng co thắt để tạo ra nhiệt cho cơ thể.[1] Một lần nữa, thật không may là vùng lưng của chúng ta chiếm khoảng 20% tổng số lượng cơ trên toàn bộ cơ thể. Trong đó, phần lớn là các nhóm cơ có kích thước nhỏ. Điều này khiến lưng của bạn dễ bị đau do co thắt cơ khi tiếp xúc với thời tiết lạnh hơn là những nơi khác. Các thống kê cho thấy việc tiếp xúc với môi trường lạnh thường xuyên làm tăng tỷ lệ đau cổ (OR = 1.36), đau lưng (OR = 1.38) và đau rễ thần kinh (OR = 1.36).[2]

Theo YHCT, vùng lưng của chúng ta là nơi dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây bệnh nhất. Do đó, nó được sự bảo vệ của một hệ thống phòng thủ gọi là đường kinh Bàng quang chạy dọc theo hai bên cột sống. Đường kinh này mang theo một loại năng lượng gọi là "Vệ khí", có tính ấm và giúp cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Khi "Vệ khí" của chúng ta suy yếu sau một ngày làm việc mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ, tăng ca quá nhiều, hoặc cũng có thể do tâm trạng không tốt. Và thật xui xẻo là hôm đó bạn bị mắc mưa và "cơn mưa" này tấn công vào vùng lưng của bạn nhân lúc "Vệ khí" của bạn đang suy giảm. Hoặc cũng có thể do bạn mắc mưa quá lâu thì dù "Vệ khí" vẫn còn khỏe mạnh nhưng vẫn không đủ sức để bảo vệ bạn. Mưa trong quan niệm của YHCT mang theo các yếu tố gây bệnh gọi là Phong, Hàn và Thấp. Những thứ này khi vào cơ thể, trước tiên sẽ tấn công vào những phần nông nhất là da và cơ của chúng ta, dẫn đến co thắt cơ và gây tắc nghẽn đường đi của "khí huyết". Từ đó gây ra đau lưng.

Một số triệu chứng đau lưng sau khi đi mưa thường gặp:

  • Đau với tính chất căng, cứng, nặng, mỏi vùng lưng, có thể lan xuống mông hoặc đùi.

  • Đau có thể tăng lên khi gặp lạnh (thời tiết, ngồi máy lạnh, tắm nước lạnh).

  • Khó chịu khi ngồi trước máy lạnh, quạt gió.

  • Khó khăn trong việc cúi, ngửa, nghiêng và xoay người (cảm giác căng, cứng, đơ)

Cần lưu ý rằng, "cơn mưa" có thể chỉ tình cờ đi ngang qua "cơn đau" và bị chúng ta "đổ lỗi" là nguyên nhân gây ra đau lưng. Thủ phạm thực sự có thể nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng sau đây:

  • Đau kiểu điện giật, bỏng rát hoặc như bị kim châm chạy dọc từ lưng xuống chân như một dòng điện.

  • Đau nhói, đau tại một điểm cố định, đau không giảm ngay cả khi nằm nghỉ.

  • Yếu hai chân tăng dần.

  • Tê, mất cảm giác từ chỗ đau trở xuống.

  • Bí tiểu, bí đại tiện.

  • Sốt cao > 38 độ C, sụt cân > 10% trọng lượng cơ thể trong 3 tháng gần nhất.

  • Chấn thương, té ngã trước đó.

  • Tuổi > 50.

  • Các bệnh lý đã được chẩn đoán trước đó: loãng xương, ung thư, suy giảm miễn dịch (HIV, ghép thận, dùng thuốc ức chế miễn dịch), đang dùng thuốc đường tiêm chích, đang dùng corticosteroid hoặc từng dùng kéo dài trên 1 tháng.

Trong trường hợp bạn chỉ bị đau lưng do co thắt cơ sau khi tiếp xúc với mưa lạnh. Bạn có thể thử một số biện pháp như:

  • Chườm ấm vùng đau.

  • Uống nước gừng ấm và giữ ấm cơ thể.

  • Tập một số bài tập giãn cơ.

Nếu cơn đau vẫn không cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp. Đặc biệt là trong trường hợp bạn bị đau lưng mãn tính trước đó do các nguyên nhân khác. Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ và các phương pháp điều trị phù hợp cho bạn như châm cứu, cứu ấm bằng điếu ngải, nhiệt trị liệu, thuốc thang và một số phương pháp khác tùy từng người bệnh.

Điều quan trọng là hãy nhớ mang theo áo mưa khi ra ngoài vào những tháng mùa mưa này nhé. Nếu mưa quá lớn bạn có thể chọn giải pháp trú mưa để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố Phong, Hàn, Thấp. Và cuối cùng, đừng quên bảo vệ lưng của bạn bằng cách tạo thói quen duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt kết hợp với các bài tập giúp tăng sức mạnh các cơ vùng lưng và bụng. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cùng với kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi điều độ.

Trong bài viết tiếp theo, chúng tối sẽ hướng dẫn bạn một số phương pháp phòng ngừa và điều trị đau lưng thắt sau khi đi mưa tại nhà một cách đơn giản và hiệu quả.

*OR (Odds ratio): tỷ số số chênh, là một thông số dịch tễ học cho biết ở những người tiếp xúc với lạnh thường xuyên thì số người bị bệnh cao gấp OR lần những người không tiếp xúc với lạnh thường xuyên.

Tham khảo: [1] Granberg PO. Human physiology under cold exposure. Arctic Medical Research. 1991 ;50 Suppl 6:23-27. PMID: 1811574. [2] Albin Stjernbrandt & Erlend Hoftun Farbu (2022) Occupational cold exposure is associated with neck pain, low back pain, and lumbar radiculopathy, Ergonomics, 65:9, 1276-1285, DOI: 10.1080/00140139.2022.2027030

68 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page