top of page
BS. Lê Ngọc Tuyết Nhung

CHÈN ÉP THẦN KINH TRỤ


Chèn ép thần kinh trụ là gì?

Chèn ép thần kinh trụ là một bệnh lý thần kinh chèn ép xảy ra khi dây thần kinh trụ bị kẹt hoặc nén ép và có thể dẫn đến các tổn thương tiến triển.


Dây thần kinh trụ là một trong 3 nhánh chính của đám rối thần kinh cánh tay, là một mạng lưới các dây thần kinh bắt nguồn từ tủy cổ và đi xuống cánh tay. Sau khi rời tủy sống, đám rối thần kinh chạy dọc theo nách đến mặt trong cánh tay và cẳng tay rồi xuống bàn tay. Sự chèn ép thần kinh trụ có thể xảy ra bất cứ đâu dọc theo lộ trình dây thần kinh ví dụ ở bên dưới xương đòn, tại khuỷu tay và cánh tay hoặc thậm chí ở phần xa của bàn tay hoặc ở cổ tay tại đường hầm Guyon. Vị trí chèn ép thần kinh thường gặp nhất là ở khuỷu tay, thường là do hội chứng đường hầm thần kinh trụ - Cubital tunnel syndrome (hội chứng chèn ép thần kinh trụ hoặc hội chứng đường hầm khuỷu tay).

Chèn ép thần kinh trụ là bệnh lý thần kinh ngoại biên chèn ép phổ biến thứ 2 chỉ sau hội chứng ống cổ tay (hội chứng chèn ép thần kinh giữa). Tuy nhiên không nên nhầm lẫn hội chứng ống cổ tay với hội chứng đường hầm khuỷu tay. Triệu chứng biểu hiện tương tự nhau, cả hai đều liên quan đến sự chèn ép ở cánh tay, tuy nhiên hội chứng đường hầm khuỷu tay ảnh hưởng đến thần kinh trụ, trong khi hội chứng ống cổ tay lại là dây thần kinh giữa bị ảnh hưởng.


Nguyên nhân

Loại chèn ép thần kinh trụ phổ biến nhất tại khuỷu tay là hội chứng đường hầm khuỷu tay - hội chứng có thể do tổn thương khuỷu tay gây ra (ví dụ như gãy xương hoặc di lệch xương), bệnh lý xương và khớp (ví dụ viêm khớp hoặc gai xương), hoặc đè ép quá nhiều vào nó - đặc biệt là trên các bề mặt cứng.

Khi gập khuỷu, thần kinh trụ sẽ bị kéo căng ra bao bên ngoài lồi cầu trong. Sự kéo căng này có thể kích thích thần kinh, cho nên việc gập khuỷu tay kéo dài hoặc lặp đi lặp lại (phổ biến gặp trong các một số loại công việc nặng) có thể gây ra triệu chứng đau, tê. Ví dụ, nhiều người gập khuỷu tay khi ngủ, làm trầm trọng hơn sự đè ép vào dây thần kinh trụ và có thể làm thức giấc giữa đêm với các ngón tay tê cứng.

Tụ dịch quá nhiều tại khuỷu tay có thể đè vào dây thần kinh ví dụ sưng viêm bao hoạt dịch, nang/ kén hoạt dịch.

Hơn nữa, một số tình trạng có thể làm tăng tính nhạy cảm của sự chèn ép thần kinh, ví như bệnh đái tháo đường và bệnh thần kinh di truyền với liệt do áp lực (Hereditary neuropathy with pressure palsies – HNPP).

Đôi khi nguyên nhân dẫn đến chèn ép thần kinh trụ tại khuỷu tay không thể xác định được.

Chèn ép thần kinh trụ ở cổ tay có thể do chấn thương trực tiếp, vết rách, u nang hạch hoặc hội chứng đường hầm cổ tay trụ (Hội chứng kênh Guyon). Thêm vào đó dị dạng mạch máu hoặc một số tình trạng bất thường của khớp như viêm khớp dạng thấp và các rối loạn khác cũng có thể góp phần gây chèn ép dây thần kinh. Cuối cùng, chạy xe và chống đẩy quá mức, cũng như bất kỳ nguyên nhân thông thường nào khác gây áp lực từ bên ngoài lâu ngày và lặp đi lặp lại bởi các dụng cụ cầm tay hoặc tay cầm của gậy có thể cũng góp phần gây chèn ép thần kinh trụ tại cổ tay.


Triệu chứng

Các triệu chứng của chèn ép thần kinh trụ có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí, độ rộng và mức độ nghiêm trọng của áp lực đè lên dây thần kinh, cũng như các nhánh dây thần kinh trụ có liên quan.

Các triệu chứng điển hình có thể bao gồm yếu cơ, giảm sức cầm nắm và vụng về (khó đánh máy hoặc chơi nhạc cụ,..). Một số trường hợp cũng có thể dẫn đến teo cơ.

Hơn nữa, dây thần kinh trụ bị chèn ép có thể dẫn đến tê, châm chích (dị cảm) và đau liên quan đến ngón tay út, phần ngoài ngón nhẫn và bờ trong lòng bàn tay (chỗ gồ lên của mô út). Triệu chứng này lúc có lúc không, xuất hiện thường xuyên hơn khi gập khuỷu ví dụ như lái xe hoặc sử dụng điện thoại.


Tê cứng ngón 4-5 đặc biệt là khi gập khuỷu, có thể khó cử động các ngón này. Các trường hợp tổn thương nghiêm trọng dây thần kinh trụ ở khuỷu tay có thể dẫn đến ngón 4 –5 cong lại (vuốt trụ). Theo thời gian, tổn thương dây thần kinh trụ có thể trầm trọng hơn dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.


Nhiều bệnh nhân thường trải qua cảm giác châm chích đặc trưng khi đụng phải “xương vui vẻ” - Funny bone. Xương này về mặt giải phẫu được gọi là lồi cầu trong của khuỷu tay, là phần nhô ra ở phía dưới - trong của xương cánh tay. Đụng phải xương này có thể không được “vui” lắm nhưng có thể gây ra tổn thương trong một số trường hợp, vì dây thần kinh trụ chạy rất nông ở vị trí này cho nên dễ bị chấn thương.


Chèn ép thần kinh trụ kéo dài bao lâu?

Khi bạn đụng phải “xương vui vẻ” ở khuỷu tay, cảm giác châm chích có thể xuất hiện thoáng qua trong vài giây hoặc vài phút. Nhưng mặt khác, các triệu chứng chèn ép dây thần kinh trụ có thể mãn tính và có thể kéo dài rất lâu. Nếu các triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài hơn 2-3 tháng trước hoặc sau điều trị bảo tồn bệnh nhân cần đi khám.


Chẩn đoán

Chẩn đoán chèn ép thần kinh trụ bắt đầu với khai thác bệnh sử, tiếp theo là kiểm tra cấu trúc của cánh táy, khuỷu tay và bàn tay để kiểm tra hoạt động vận động và cảm giác, cũng như tìm ra nguồn gốc của tổn thương:

  • Gõ lên “xương vui vẻ”. Nếu thần kinh bị kích thích có thể gây ra cơn giật lan xuống ngón út và ngón nhẫn (dấu hiệu Tinel).


  • Kiểm tra xem thần kinh trụ có bị trượt ra khỏi vị trí khi bệnh nhân gập khuỷu không.

  • Cử động cổ, vai, khuỷu, cổ tay xem tư thế nào làm xuất hiện triệu chứng.

  • Kiểm tra cảm giác và sức cơ ở bàn tay và ngón tay.

Các cận lâm sàng hỗ trợ như chụp X-Quang, siêu âm, điện cơ và đo dẫn truyền thần kinh có thể được thực hiện để chẩn đoán xác định và giúp xác định vị trí cũng như mức độ tổn thương thần kinh. Điện cơ và đo dẫn truyền thần kinh là 2 phương pháp chẩn đoán điện không xâm lấn có thể được sử dụng để đánh giá hoạt động điện của cơ hoặc dây thần kinh tương ứng.


Điều trị

Các trường hợp chèn ép thần kinh trụ nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp, đau và viêm có thể được điều trị bằng thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Các loại thuốc giảm đau khác có thể được kê đơn bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng, đặc biệt đối với những người không thể dùng NSAID.

Có vài cử động và tư thế nên tránh. Ví dụ, không gập khuỷu tay trong một khoảng thời gian dài hoặc thậm chí có thể phải đeo nẹp để cố định khớp. Ngoài ra, có thể thêm các vật lý trị liệu, chẳng hạn như bài tập trượt dây thần kinh trụ.


Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn (yếu cơ, teo cơ) hoặc kéo dài hơn 3 tháng cần thực hiện phẫu thuật giải nén. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau có thể áp dụng (giải phóng đường hầm, chuyển vị thần kinh trụ ra trước, chuyển vị lồi cầu trong).


Bệnh nhân có thể tự làm gì để giảm triệu chứng?
  • Tránh các hoạt động cần phải gập khuỷu tay kéo dài.

  • Nếu sử dụng máy tính thường xuyên, đảm bảo ghế ngồi không quá thấp.

  • Tránh tỳ khuỷu tay hoặc đè áp lực lên mặt trong cánh tay. Ví dụ, không lái xe ô tô với cánh tay bạn đặt lên cửa sổ xe.

  • Giữ khuỷu tay thẳng khi đi ngủ. Có thể quấn bằng một chiếc khăn lông để giữ thẳng hoặc mang nẹp khuỷu tay.


Bác sĩ chuyên ngành nào có thể điều trị chèn ép thần kinh trụ?

Nhiều chấn thương và rối loạn thần kinh được phát hiện và điều trị đầu tiên bởi các nhà thần kinh học, chuyên gia thần kinh cơ, bác sĩ chỉnh hình hoặc vật lý trị liệu. Nếu phẫu thuật là cần thiết để điều trị, nó thường được thực hiện bởi bác sĩ ngoại thần kinh chuyên về phẫu thuật thần kinh ngoại vi.


📅Để đặt hẹn khám bệnh, vui lòng nhắn tin tại Fanpage: Đông Y Tâm Đức https://www.facebook.com/pkdongytamduc

Hoặc liên lạc sđt (zalo) 0345.223.319.

Phòng khám hẹn gặp bạn vào một ngày nắng đẹp!


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page