Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Ngọc Đức, hiện là Bác sĩ quản lý đau bằng phương pháp điều trị bằng tay kết hợp với điều trị bằng Y học cổ truyền, tại phòng khám Đan Ngọc.
Chắc hẳn ai cũng đã từng ăn cháo giải cảm, nhưng có thể bạn chưa biết rằng món ăn này cũng rất phù hợp cho bệnh nhân mới mắc Covid - 19 để tiêu trừ những triệu chứng khó chịu và rút ngắn thời gian chữa bệnh!
Khi thời tiết thay đổi đột ngột lúc giao mùa, hay những ngày thể trạng mệt mỏi yếu sức, chúng ta rất dễ gặp phải tình trạng cảm lạnh, cảm nắng, cảm cúm,... hay có thể gọi chung là bệnh ngoại cảm. Vậy bệnh ngoại cảm là gì? Vì sao từ xưa đến nay, ông bà ta vẫn thường nấu cháo giải cảm để phục hồi sức khoẻ nhanh chóng mà không cần dùng thuốc?
1. Thế nào là bệnh ngoại cảm?
Theo Y học cổ truyền, khí hậu bốn mùa bao gồm lục khí (6 loại khí) là Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa luân phiên thay đổi. Bình thường, các loại khí này là cần thiết cho sự sống và sức khỏe. Tuy nhiên, khi một hoặc một vài khí này trở nên thái quá, bất thường, xuất hiện không phù hợp với thời tiết thì có thể gây bệnh. Khi đó ta gọi lục khí này là lục dâm tà khí và bệnh do tà khí gây ra được gọi là Ngoại cảm.
Sự phát sinh Ngoại cảm liên quan mật thiết với thời tiết và sẽ biến đổi rất nhiều theo sự thay đổi thất thường của khí hậu và sức đề kháng (chính khí) mỗi người. Sự giao tranh của tà khí - chính khí, tương quan sức mạnh của mỗi bên sẽ quyết định sự nặng nhẹ của bệnh Ngoại cảm. Nếu có một thể trạng tốt, bạn sẽ thường chỉ mất một vài ngày để hồi phục hoàn toàn, và việc sử dụng cháo giải cảm sớm và đúng cách sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao.
Dịch bệnh Covid-19 dưới góc nhìn của Y học cổ truyền được xem như một loại Dịch lệ, virus SARS-CoV-2 mang những đặc tính của Phong, Hàn, Thấp, Nhiệt với sự biến đổi không ngừng và khả năng lây lan mạnh trong cộng đồng. Tùy theo chính khí của mỗi người (thể trạng, bệnh lý nền,..) và độ mạnh yếu của tà khí (chủng virus, tải lượng virus, thời tiết,...) mà thời gian phát bệnh, thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Việc ứng dụng cháo giải cảm trong chế độ dinh dưỡng cũng sẽ hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khoẻ trên bệnh nhân Covid-19 liên quan đến Phong-Hàn-Thấp.
2. Nguyên tắc chữa bệnh Ngoại cảm.
Nguyên tắc chữa trị. cơ bản của bệnh Ngoại cảm là “phù chính khu tà": Tiêu trừ, loại bỏ, tống xuất Tà khí và phù trợ, nâng cao Chính khí để chiến thắng Tà khí đồng thời hồi phục sức khỏe.
Muốn loại trừ Tà khí, trước tiên cần chọn cho nó con đường để ra khỏi cơ thể, cách thông dụng nhất hay được áp dụng đó là “đuổi" Tà ra theo đường mồ hôi (xuất hãn). Muốn ra được mồ hôi, thì cơ thể cần có đủ tân dịch (nước, các dịch trong cơ thể), sức nóng để thông mở lỗ chân lông. Đó là lý do bạn nên ăn cháo nóng hay xông nóng khi bị cảm Phong-Hàn-Thấp. Và các thành phần trong cháo giải cảm cần có đủ chức năng khu Tà, bồi bổ Chính khí và cung cấp thêm tân dịch cho cơ thể.
3. Cách nấu cháo giải cảm Phong-Hàn-Thấp hiệu quả.
Chỉ với những nguyên liệu rẻ tiền, dễ tìm mà cách chế biến lại vô cùng đơn giản, bạn sẽ có món cháo giải cảm thơm ngon, bổ dưỡng, giúp cơ thể khắc phục nhanh chóng những triệu chứng Cảm Phong Hàn Thấp như : sợ gió sợ lạnh, hắt hơi, sổ mũi, sốt, mệt mỏi uể oải...
Nguyên liệu cháo giải cảm:
⅓ chén gạo tẻ
1 quả trứng gà
Lá tía tô, hành lá, gừng, tiêu
Nước
Gia vị
Cách nấu cháo giải cảm:
Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập rồi thái lát. Tía tô, hành lá rửa sạch thái nhỏ.
Gạo tẻ đem rang lên, sau thêm vào vài lát gừng và nấu thành cháo loãng với 500ml nước
Sau khi cháo chín, tắt bếp, đập trứng gà vào cháo rồi khuấy đều cho trứng chín, nêm nếm vừa ăn.
Sau cùng bỏ lá tía tô, hành lá vào khuấy đều. Bỏ ra tô, rắc thêm tiêu và thưởng thức.
Lý giải công thức cháo giải cảm:
Dùng gạo tẻ đem rang lên để giảm bớt tính Thấp (nê trệ) có trong gạo, ăn vào nhẹ bụng và dễ chịu hơn.
Nấu cháo loãng với nhiều nước để cung cấp thêm tân dịch cho cơ thể.
Ăn cháo khi còn nóng để cung cấp nhiệt, dễ ra mồ hôi.
Dùng gừng, tiêu, hành lá để ôn ấm cơ thể, khu Phong trừ Hàn tà
Lá tía tô giúp trừ Thấp tà.
Chỉ cần 1 trứng gà để cung cấp chất dinh dưỡng vừa đủ, bồi bổ cơ thể. Không nên dùng quá nhiều trứng hay các loại thịt sẽ gây nặng bụng khó tiêu.
Sau khi ăn cháo giải cảm, ra mồ hôi, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ nhẹ, nên lau mồ hôi và đi ngủ lúc này để phục hồi tốt nhất.
Ngoài ra, bên cạnh ăn cháo giải cảm bạn cũng cần nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, ngủ đủ giấc, uống đủ nước (1,5-2 lít nước/ngày), bổ sung các vitamin có lợi từ trái cây, rau củ, tránh stress và làm việc quá sức trong thời gian này.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn tự chế biến được một món cháo giải cảm thơm ngon, bổ dưỡng mà lại đơn giản nhanh gọn trong những ngày bị cảm và mệt mỏi. Chúc bạn luôn giữ được một sức khỏe tốt và bình an trong mùa dịch!
Để được thăm khám trực tiếp, Quý bệnh nhân vui lòng gọi HOTLINE: 0345.22.33.19 hoặc đặt lịch hẹn trực tuyến TẠI ĐÂY
Phòng khám Đan Ngọc
Comments